Ngành Hệ thống thông tin

Mục tiêu của chương trình Hệ thống thông tin (HTTT) chất lượng cao (CLC) tại Trường ĐHCN (ĐHQGHN) là đào tạo toàn diện cả về chuyên môn lẫn phẩm chất nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài trình độ đại học ngành HTTT trong thời đại số hóa. Sinh viên tốt nghiệp ngành HTTT CLC sẽ là những cử nhân, chuyên gia có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn HTTT toàn diện, với các kiến thức chuyên sâu được định hình thành hai hướng (i) Tích hợp dịch vụ và quản lý dữ liệu lớn và (ii) Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh, về xây dựng và phát triển các HTTT thích ứng tốt được với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thành mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.

Xem nội dung khung chương trình chi tiết tại QĐ.1587_Ban hành CTĐT HTTT CLCTT23.

Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vô địch tại Cuộc đua số 2018

Ngày 17/05, đội UET Fastest của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vượt qua 08 đội tuyển để giành ngôi Vô địch tại cuộc chung kết Cuộc đua số 2018 tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ – Hà Nội.

Đội UET Fastest gồm các sinh viên Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Tuấn, Trần Anh Dũng do ThS. Quách Công Hoàng hướng dẫn nhận được phần thưởng là 450 triệu đồng, trong đó có chuyến tham quan và trải nghiệm trong vòng một tuần tại Nhật Bản, được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.

Đội UET Fastest đã giành được ngôi vô địch tại cuộc thi

Cả 4 thành viên của đội thi đấu đều là các sinh viên tài năng xuất sắc của Trường ĐHCN, ĐHQGHN. Về chiến lược của đội trong vòng Bán kết, UET Fastest chia sẻ “Đầu tiên phải chậm chắc để hoàn thành trọn vẹn sa hình, sau đó tăng tốc để rút ngắn thời gian xe chạy, về đích và giành chiến thắng. Tham gia cuộc thi này, do không có thời gian luyện tập nên các thành viên thường xuyên phải tranh thủ luyện tập vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Khuôn viên của trường chật nên không thể dựng sân tập, cả đội phải tạo sân ảo trên máy tính. Các thành viên đã sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo – AI để tạo ra xe tự hành với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản trên đường, nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải. Chiến thuật này đã giúp đội thi UET Fastest của chúng ta trở thành đội Vô địch tại vòng Chung kết Cuộc đua số.

Sinh viên Nguyễn Minh Châu, thành viên đội UET Fastest cho biết, “các môn học trong nhà trường hiện phần lớn vẫn chỉ là lý thuyết. Cuộc đua số chính là động lực để bọn em phải tìm hiểu về các công nghệ mới như xử lý ảnh, học sâu, trí tuệ nhân tạo… Dù mới chỉ tham gia trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã giúp chúng em có được những kết quả ban đầu về xe tự hành. Thời gian qua cả đội đã phải tập trung để cải tiến công nghệ xử lý ảnh của mình, tính toán kỹ lực gia tốc của xe để xe có thể chạy tốt nhất trên địa hình phức tạp. Tuy vẫn còn phải cải thiện và tối ưu công nghệ trong thời gian ngắn trước khi thi nhưng chúng em tự tin có thể hoàn thành hết đề bài mà ban tổ chức đưa ra”.

Năm nay Cuộc đua số với chủ đề “Lập trình xe tự hành” diễn ra vòng chung kết giữa 8 đội thi đến từ 6 trường đại học gồm: Proptype và đội Winwin Spiral cùng đến từ Đại học FPT; đội UET Fastest đến từ trường ĐHCN, ĐHQGHN; đội MTA_ Race4Fun của Học viện Kỹ thuật Quân sự; các đội DUT Stack và NII của Đại học Bách khoa Đà Nẵng; đội Sophia đến từ Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM; và đội BK-PIF của Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM. 8 đội thi đến từ 6 trường đại học, học viện hàng đầu trong cả nước đã phải trải qua 2 vòng thi đấu. Cụ thể, ở vòng 1, 8 đội thi đã bốc thăm để chia thành 4 cặp thi đấu. Mỗi cặp sẽ thi đấu 1 lượt trên 2 đường đua độc lập. 4 đội có số điểm cao nhất (được tính dựa trên thời gian ngắn nhất mà đội đã hoàn thành 1 vòng đua hoàn chỉnh) được lựa chọn vào vòng thi đấu thứ 2.

Kết thúc vòng thi đấu đầu tiên, 4 đội thi giành quyền lọt vào vòng 2 – vòng thi với sa hình bí mật lần lượt là 1MTA_ Race4Fun của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Proptype và Winwin Spiral cùng của Đại học FPT và đội UET Fastest đến từ Trường ĐHCN, ĐHQGHN. Đội UET Fastest hoàn thành vòng thi này với thời gian là 31 giây.

Mặc dù là đội xếp vị trí thứ tư ở vòng thi đấu đầu tiên của đêm thi chung kết Cuộc đua số 2017 – 2018, tuy nhiên, ở vòng 2 và đặc biệt là ở trận đối kháng cuối cùng với đội Winwin Spiral của Đại học FPT, đội UET Fastest đã xuất sắc dẫn trước để giành ngôi Vô địch cuộc thi Cuộc đua số năm nay.

Các thành viên trong đội UET Fastest đã từng bước chinh phục các bài toán công nghệ trong thời gian tham gia cuộc thi. Ảnh: Báo Thanh niên

Trải qua 6 tháng luyện tập và thi đấu tại Cuộc đua số 2017 – 2018, các đội tuyển phải từng bước chinh phục các bài toán công nghệ của xe tự hành với mức độ khó tăng dần. Ban đầu, các thí sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo và sau đó được hướng dẫn thực hành trên xe ô tô mô hình có kích thước bằng 1/10 xe thật.

Nếu như ở vòng bán kết, xe do các bạn sinh viên lập trình mới chỉ có khả năng di chuyển trên đường có làn, xác định và tránh được vật cản; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải thì đến vòng chung kết, xe của các đội đã có thể đi trên các đường có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; ngoài biển rẽ trái, phải xe có thể nhận biết thêm biển dừng lại. Đặc biệt, các biển báo tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.

Thông tin báo chí:

– Báo Tuổi trẻ: Trường ĐH Công nghệ vô địch cuộc thi lập trình xe tự hành

– Báo Dân trí: Trường ĐH Công Nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội vô địch tại Chung kết Cuộc đua số

Trường Đại học Công nghệ tham gia “Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2018”

Chủ Nhật, ngày 11/03, Trường Đại học Công nghệ đã tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 do Báo tuổi trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Năm nay, bằng nhiều hình thức tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi,… gian hàng giới thiệu của Trường ĐH Công nghệ đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh cũng như phụ huynh.

Gian tư vấn của Nhà trường thu hút được nhiều sự quan tâm của học sinh và phụ huynh

Nhằm giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích, năm nay Ban tổ chức đã chia thành ba khu vực tư vấn chuyên sâu và giải đáp các thắc mắc của thí sinh, bao gồm: Khu vực tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành bao gồm: nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Y dược; nhóm ngành Kinh tế, Báo chí, Khoa học xã hội – Nhân văn, Ngoại ngữ, Công an, Quân đội và khu vực Gỡ rối hướng nghiệp – Chọn lối vào đời. Thí sinh và phụ huynh quan tâm đến nhóm ngành nào dự nghe tư vấn ở khu vực nhóm ngành đó. Sau phần tư vấn, thí sinh và phụ huynh có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các thầy cô trong Ban tư vấn.

Các cán bộ và sinh viên tình nguyện nhiệt tình tư vấn cho phụ huynh, học sinh

Tại gian tư vấn của Trường ĐH Công Nghệ, các cán bộ và sinh viên tình nguyện của Nhà trường đã tiếp đón, tư vấn và giải đáp các thắc mắc của nhiều phụ huynh và các em học sinh quan tâm tới kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2018 cũng như giới thiệu trực tiếp tới từng học sinh về Nhà trường,lĩnh vực khoa học công nghệ và cụ thể tới từng ngành đào tạo hiện nay của Nhà trường. Những vấn đề được đông đảo các em học sinh quan tâm trao đổi nhiều nhất, đó là tổ hợp môn thi mà Trường Đại hoc Công nghệ sử dụng để xét tuyển năm 2018 và cơ hội nghề nghiệp của các em sau khi tốt nghiệp.

Đối với các Chương trình đào tạo chuẩn, Trường ĐHCN xét tuyển theo tổ hợp môn thi:

– Toán, Lý, Hóa (A00)

– Toán, Lý, Sinh (A02)

– Toán, Lý, Anh (A01)

– Toán, Anh, Hóa (D07)

– Toán, Anh, Sinh (D08)

Riêng ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ, Trường ĐHCN xét tuyển theo tổ hợp môn thi:

  • Toán, Lý, Hóa (A00)
  • Toán, Lý, Anh (A01)
  • Toán, Hóa, Anh (D07)

     Đối với các Chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng thông tư 23 của Bộ GD&ĐT, Trường ĐHCN xét tuyển theo tổ hợp môn thi:

  • Toán, Anh, Lý (Toán, Anh hệ số 2) (A01)
  • Toán, Anh, Hóa (Toán, Anh hệ số 2) (D07)
  • Toán, Anh, Sinh (Toán, Anh hệ số 2) (D08)
  • Toán, Lý, Hóa (Toán, Lý hệ số 2) (A00)
  • Toán, Lý, Sinh (Toán, lý hệ số 2) (A02)

Hoặc theo  chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK

     Hằng năm, kết quả khảo sát tình hình sinh viên Trường Đại học Công nghệ sau khi tốt nghiệp một năm có việc làm đạt từ 80 đến 90%. Trong đó nhiều bạn đã được các tập đoàn lớn đón nhận ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, thứ ba. Năm  2017 Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Đức Minh là hai sinh viên năm 2 của Trường ĐH Công nghệ được chọn đi thực tập sinh của Facebook tại Anh và Google ở Mỹ. Cũng trong năm đó các bạn sinh viên Khoa Công nghệ thông tin đạt 01 giải đặc biệt, 06 giải nhất, 03 giải nhì và 01 giải ba tại Olympic Toán sinh viên toàn quốc; sinh viên Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano đạt 01 Giải Nhất phần thi Thực nghiệm, 01 giải nhì phần thi Trắc nghiệm và 01 giải khuyến khích phần thi Bài tập tại Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc; 03/10 sinh viên nhận Giải thưởng Honda YES; sinh viên Phạm Văn Hạnh và TS. Hà Minh Hoàng nhận Giải thưởng Quả Cầu vàng…

Thí sinh và phụ huynh quan tâm có thể tham khảo thông tin chi tiết về tuyển sinh Đại học năm 2018 vào Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN tại địa chỉ:https://uet.vnu.edu.vn/category/tuyen-sinh/ hoặc liên hệ để được tư vấn trực tiếp qua Phòng Đào tạo của nhà trường, số điện thoại: (024) 3754 7865.

Tuyết Nga (UET – Ne

SỰ KIỆN VÀ THÀNH TỰU TIÊU BIỂU TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ NĂM 2017

Năm 2017, Trường Đại học Công nghệ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong mọi hoạt động hướng tới chuẩn quốc tế, góp phần tạo dựng giá trị và thương hiệu của nhà trường nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Dưới đây là các thành tựu và sự kiện nổi bật trong năm 2017.

I. Sự kiện tiêu biểu

      1. Giám đốc ĐHQGHN làm việc với Đảng ủy, Ban giám hiệu chỉ đạo tăng tốc độ phát triển Trường ĐHCN cả về quy mô và lĩnh vực hoạt động.

Ngày 19/6/2017, Giám đốc ĐHQGHN đã làm việc với Đảng ủy, Ban giám hiệu chỉ đạo Trường ĐHCN thực hiện các giải pháp tăng tốc độ phát triển cả về quy mô và lĩnh vực hoạt động, phấn đấu đến năm 2022 quy mô đào tạo tăng gấp đôi so với năm 2017, phát triển một số lĩnh vực mới nhưcông nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ nông nghiệp, kỹ thuật năng lượng… Trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ tập trung, ưu tiên đầu tư phát triển Trường ĐHCN và coi đây là một khâu quan trọng thúc đẩy tiến trình phát triển chung của ĐHQGHN. Nhà trường cần rà soát, điều chỉnh tầm nhìn, chiến lược phát triển, đặt ra các mục tiêu đột phá theo hướng tăng nhanh tốc độ và mở rộng quy mô. Trong đó, tập trung điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy, kế hoạch phát triển các chương trình đào tạo, các đơn vị mới phù hợp với tình hình mới. Nâng cao năng lực quản trị đại học, rà soát tái cấu trúc hệ thống các đơn vị chuyên môn, các phòng chức năng theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 2. Ra mắt Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ vào ngày 18/12/2017

Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ (School of Aerospace Engineering – SAE) trực thuộc Trường ĐHCN và cũng là đơn vị phối thuộc của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức ra mắt. Đây là mô hình hợp tác đặc biệt giữa một Trung tâm đào tạo, nghiên cứu tiên phong và một Tập đoàn dịch vụ – công nghệ năng động hàng đầu Việt Nam. ĐHQGHN cũng phê duyệt chương trình đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ tiếp cận tiêu chuẩn của các trường đại học hàng đầu thế giới.

Viện SAE có chức năng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về Công nghệ hàng không vũ trụ (CNHKVT) ở các bậc đại học, sau đại học; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu xã hội.Nghiên cứu các công nghệ mũi nhọn, nền tảng trong lĩnh vực CNHKVT; Phát triển các công nghệ, sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực CNHKVT đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước; Triển khai các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực CNHKVT theo nhu cầu xã hội và các doanh nghiệp.

     3. Ra mắt Trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ (JTIRC) hợp tác giữa Trường ĐH Công nghệ và Trường ĐH Công nghệ Sydney nhằm tăng cường đào tạo nghiên cứu sinh phối hợp.

Trường ĐHCN và Trường ĐHCN Sydney đã ký kết hợp tác 3 bên với Tập đoàn FPT trong lĩnh vực đào tạo tiến sĩ về nhân lực công nghệ chất lượng cao

Trường ĐHCN phối hợp với Trường ĐHCN Sydney (Úc) ra mắt Trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ

Ngày 17/3/2017, Trường ĐHCN phối hợp với Trường ĐHCN Sydney (Úc) ra mắt Trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ đặt trụ sở tại Trường ĐHCN nhằm triển khai hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh phối hợp. Thúc đẩy hợp tác này, ngày 31/10/2017, Trường ĐHCN và Trường ĐHCN Sydney đã ký kết hợp tác 3 bên với Tập đoàn FPT trong lĩnh vực đào tạo tiến sĩ về nhân lực công nghệ chất lượng cao.  Ba bên sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên và nhân viên, trao đổi thông tin… để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển chung.

II. Các thành tựu tiêu biểu

1. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy nghiên cứu khoa học, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo.

Tính đến hết năm 2017, toàn trường có 41 tổ chức khoa học công nghệ từ cấp Bộ môn đến các Phòng thí nghiệm trọng điểm, Viện nghiên cứu trực thuộc trường.

Trường ĐHCN cơ bản hoàn thiện tổ chức, bộ máy nghiên cứu khoa học, tạo lập môi trường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo. Nhà trường đã đưa vào vận hành hai phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp ĐHQGHN (với đầy đủ cơ chế hoạt động, con dấu, tài khoản) là PTN trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh và PTN trọng điểm Công nghệ Micro và Nano; thành lập và đưa vào hoạt động Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ (có con dấu, tài khoản riêng) với tầm nhìn, mục tiêu trở thành một trung tâm nghiên cứu xuất sắc  ở Việt Nam về các lĩnh vực Công nghệ Thông tin, Điện tử, Truyền thông, Cơ  điện tử,  Robotics…; phát triển 05 phòng thí nghiệm mục tiêu cấp khoa; đưa vào vận hành 02 xưởng thực hành phục vụ đào tạo, nghiên cứu gồm Xưởng Cơ khí – tự động hóa; Xưởng Vi Cơ điện tử.

Thành lập và đưa vào hoạt động Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ

Đưa vào vận hành Xưởng Cơ khí – tự động hóa

2. Thực hiện tốt lộ trình phát triển quy mô, ngành, chuyên ngành đào tạo

Năm 2017, Trường ĐHCN có bước phát triển đột phá về quy mô đào tạo, lần đầu tiên đạt quy mô tuyển sinh trên 1.000 sinh viên. Đây cũng là năm Nhà trường được ĐHQGHN giao nhiệm vụ tuyển sinh 03 chương trình đào tạo mới là kỹ sư Kỹ thuật máy tính, kỹ sư Công nghệ kỹ thuật trong xây dựng-giao thông và cử nhân Công nghệ thông tin theo chuẩn Nhật Bản; Các chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23/2014/TT-BGDĐT đạt kết quả tốt, tiếp tục được xã hội quan tâm, đánh giá cao.

      3. Cán bộ, sinh viên Trường ĐHCN đạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.

a) Sản phẩm DoIT – Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản” của nhóm tác giả gồm 3 thành viên chính PGS.TS Phạm Bảo Sơn, PGS.TS Lê Anh Cường, TS. Võ Đình Hiếu đạt giải nhì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017. DoIT gồm hai tính năng cơ bản là kiểm lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp cho tài liệu tiếng Việt. Hệ thống có thể xử lý các tài liệu ở nhiều định dạng phổ biến hiện nay: doc, docx, pdf, ppt,…Với chức năng kiểm lỗi chính tả DoIT ngoài việc chỉ ra các từ bị lỗi còn đề xuất từ đúng thay thế. Chức năng phát hiện trùng lặp sẽ chỉ ra câu/đoạn trong văn bản được kiểm tra trùng lặp với câu/đoạn của tài liệu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) của hệ thống. Có ba mức trùng lặp gồm cao, thấp, và trung bình và được thể hiện bằng ba màu. Người dùng có thể chia sẽ, gửi tài liệu qua hệ thống. Bạn đọc có thể trải nghiệm sản phẩm tại http://doit.uet.vnu.edu.vnhoặc tại http://doit.lic.vnu.edu.vn.

b) Bốn năm liên tiếp Trường ĐHCN có đội tuyển đạt giải cao ở kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á và tham dự Vòng chung kết toàn cầu. Năm 2017, đội tuyển LINUX (gồm ba thành viên Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Đức Duy và Phan Đức Nhật Minh) đạt giải nhất ACM/ICPC khu vực châu Á, tham dự vòng chung kết toàn cầu tổ chức tại Mỹ giành thứ hạng 34/128 đội tuyển tham dự. Trong vòng loại khu vực châu Á, điểm thi Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 5-8/12/2017, đội tuyển Unsigned đã giành ngôi vô địch và sẽ có mặt tại vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4/2018. Năm 2016, đội tuyển BYTE (gồm 3 thành viên Phạm Văn Hạnh, Đỗ Ngọc Khánh và Nguyễn Tiến Trung Kiên) vô địch ACM/ICPC khu vực Châu Á điểm thi Hà Nội và rank 2 tại BangKok đã được chọn tham gia Vòng chung kết toàn cầu vàđã giành vị trí thứ 29 (là thứ hạng cao nhất của các đội tuyển Việt Nam từ trước đến nay) và đưa Việt Nam vào quốc gia có vị trí thứ 14 tại cuộc thi ACM/ICPC 2016.Năm 2015, đội tuyển Java# (ba thành viên là Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Phan Quang Minh và Đỗ Xuân Việt) đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Vòng chung kết toàn cầu kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ACM/ICPC 2015 đã giành thứ hạng 20 trong tổng số các quốc gia tham dự và là thành tích cao nhất từ trước tới nay cho Việt Nam tại kỳ thi này.

c) TS. Hà Minh Hoàng và sinh viên Phạm Văn Hạnh là 2 trong 9 cá nhân trong cả nước được trao Giải thưởng KHCN thanh niên, Quả cầu vàng năm 2017. Từ khi giải thưởng bắt đầu năm 2003 đến nay, Trường ĐHCN có 11 người (7 cán bộ và 4 sinh viên) được nhận giải thưởng này.

d) Trường ĐHCN tiếp tục dẫn đầu trong số các trường đại học kỹ thuật, công nghệ có nhiều sinh viên được nhận Giải thưởng Honda Yes. Cụ thể, năm 2017 Nhà trường có 3/10 sinh viên đạt giải thưởng. Từ khi giải thưởng bắt đầu năm 2006 đến nay, sinh viên Trường ĐHCN đã đạt 34/120 giải Honda Yes và 10/30 giải Honda Yes plus.

(UET-News)

Nhóm sinh viên Trường ĐHCN tham gia Vòng chung kết cuộc thi Thiết kế điện tử lần thứ 21

Theo thông báo của Ban tổ chức, nhóm SISLAB gồm 4 sinh viên Khoa Điện tử Viễn thông gồm Hồ Huy Hùng, Nguyễn Xuân Thuận, Nguyễn Văn Thuật, Nguyễn Văn Dũng khóa K59 đã được chọn tham gia Vòng Chung kết Cuộc thi Thiết kế điện tử quốc tế lần thứ 21 (the 21th LSI Contest) tại Okinawa, Nhật Bản vào ngày 09/03/2018.

Sinh viên Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Xuân Thuận, Nguyễn Văn Dũng, Hồ Huy Hùng (từ trái sang phải ảnh) của Khoa ĐTVT sẽ tham dự  Chung kết Cuộc thi Thiết kế điện tử lần thứ 21 (21th LSI Contest)

Đây là cuộc thi thiết kế điện tử được tổ chức thường niên với sự tham gia của nhiều nước châu Á do Trường Đại học Kỹ thuật Ryukyusvà Viện công nghệ Kyushu (KyuTech) đăng cai tổ chức. Cuộc thi cũng được bảo trợ bởi Hiệp hội kỹ sư Công nghệ thông tin, Điện tử và Truyền thông Nhật Bản (IEICE), hãng Synopsys, Báo Công nghiệp thiết bị điện tử (Electronic Device Industry News), công ty Gigafirm, công ty AnalogDevices, Hiệp hội công nghiệp Okinawa.

Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu tạo môi trường cho các đội thiết kế trao đổi kiến thức và khơi dậy niềm đam mê của các bạn sinh viên trong lĩnh vực thiết kế điện tử, đặc biệt là thiết kế các mạch tích hợp cỡ lớn (LSI). Mỗi năm, một chủ đề nổi bật sẽ được lựa chọn để các đội tuyển tham gia thi tài. Năm 2018, chủ đề của cuộc thi là thiết kế phần cứng về “Mạng Neuron” (Neural Network). Tại vòng sơ loại, hơn 100 dự án thiết kế khác nhau đến từ các nhóm sinh viên, học viên cao học của trường đại học kỹ thuật của các quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore… được gửi đến cuộc thi.Khoảng 10 đội có thiết kế thông minh và sáng tạo được chọn tham gia Vòng Chung khảo tại Okinawa để bảo vệ dự án của mình trước hội đồng giám khảo. Đội giành chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng của Ban tổ chức và Hiệp hội kỹ sư Công nghệ thông tin, Điện tử và Truyền thông Nhật Bản.

Nhóm sinh viên SISLAB, Trường Đại học Công nghệ là một trong 10 đội được Ban tổ chức lựa chọn và tài trợ kinh phí sang Nhật Bản báo cáo trước hội đồng giám khảo quốc tế.Tại báo cáo này, nhóm sinh viên SISLAB trình bày thiết kế mạng Neuron với ý tưởng về sự tích hợp với phương pháp tính toán ngẫu nhiên (Stochastic Computing) và các kỹ thuật tính toán xấp xỉ. Những tối ưu trong thiết kế này cho phép giảm kích thước phần cứng lên đến 20% so với kiến trúc tham chiếu mà cuộc thi cung cấp. Kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh. Đây là lần thứ 2, sinh viên Trường Đại học Công nghệ lọt vào Vòng chung kết cuộc thi LSI Design Contest (lần thứ nhất vào năm 2015).

(UET-News)

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ và Trường Đại học Quốc lập Đông Hoa, Đài Loan

Ngày 20/03, tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) đã diễn ra Lễ ký kết  thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa Trường ĐHCN và Trường Đại học Quốc lập Đông Hoa, Đài Loan do GS. Chao Han Chieh – Hiệu trưởng làm trưởng đoàn cùng GS. Ma Yuan Ron – Chủ nhiệm khoa Vật lý, Phó Trưởng Phòng Quan hệ quốc tế.

Tham dự buổi lễ, về phía Trường ĐHCN có PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT; cùng đại diện lãnh đạo các khoa Công nghệ thông tin, khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, khoa Điện tử Viễn thông, khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano đón tiếp đoàn.

Trước khi hai bên thực hiện trao đổi cụ thể các lĩnh vực hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà và Hiệu trưởng Chao Han Chieh đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về việc trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên trong nghiên cứu khoa học và đào tạo; xem xét mở trung tâm nghiên cứu chung.

Tại buổi ký kết, GS Chao Han Chieh đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của Trường ĐH Đông Hoa, đồng thời sau khi lắng nghe đại diện lãnh đạo các khoa trình bày về hướng nghiên cứu chính của từng khoa. Giáo sư đã nhận thấy tiềm năng hợp tác lớn giữa hai đơn vị. Tương lai hai bên có thể phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên ngành về khoa học công nghệ, đào tạo nhằm tạo cơ hội cho giảng viên, nhà khoa học và sinh viên hai bên trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm.

Trong phần thảo luận và trao đổi, GS. Ma Yuan Ron chia sẻ về những ấn tượng sâu sắc về những thành tựu khoa học công nghệ nổi bật của Trường tại buổi gặp mặt và làm việc với Trường vào năm 2017. Từ đó, GS khẳng định hai bên có thể hợp tác bền chặt trong lĩnh vực siêu tụ và vật liệu từ, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ nano, hợp tác đào tạo thực tập sinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ nano và những lĩnh vực đều là thế mạnh của hai bên trong nghiên cứu khoa học.

Lễ ký kết đã diễn ra thành công và tốt đẹp

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà (bên phải ảnh) tặng quà lưu niệm cho Hiệu trưởng Chao Han Chieh (bên trái ảnh)

Sự kiện Trường ĐHCN và Trường ĐH Đông Hoa tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học và đào tạo là biểu hiện của tình hữu nghị vững chắc giữa các đối tác Đài Loan và Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nằm trong kế hoạch chung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của Nhà trường.

    Trường Đại học Đông Hoa (http://www.ndhu.edu.tw), Đài Loan được thành lập từ năm 1994. Hiện tại, Trường có 10.000 sinh viên trong đó 65% là sinh viên và 35% là học viên cao học và NCS. Trường đào tạo 35 chuyên ngành cử nhân, 48 chương trình thạc sĩ, 17 chương trình tiến sĩ. Năm 2018, Trường Đại học Đông Hoa xếp hạng 201-250 trong bảng xếp hạng Châu Á, 807-1000 trong Bảng xếp hạng Đại học thế giới, riêng Công nghệ nano xếp hạng số 1 Đài Loan, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông và các ngành công nghệ xếp hạng top10 Đài Loan.

(UET-News)

Trường Đại học Công nghệ đào tạo tiến sĩ hướng tới chuẩn mực quốc tế

 Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Ở bậc đào tạo này, người học không phải lên lớp nhiều mà chủ yếu là tập trung làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Chính vì thế, các yếu tố như môi trường nghiên cứu, công bố quốc tế, hợp tác quốc tế trong đào tạo tiến sĩ là rất quan trọng.

Sinh viên học tập trong xưởng Cơ khí – Tự động hóa

Tạo môi trường chuẩn mực quốc tế

Tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), nghiên cứu sinh (NCS) được tham gia vào nhóm nghiên cứu của giảng viên (GV), qua đó tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.

Các hoạt động xê-mi-na khoa học được thực hiện thường xuyên với sự tham gia tích cực của NCS nhằm tăng cường trao đổi và chia sẻ tri thức.

Ngoài ra, NCS được hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo quốc gia, quốc tế, kinh phí xuất bản từ nhiều nguồn khác nhau: đề tài khoa học của GV, các nguồn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ công bố khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted), …

Bên cạnh nhiệm vụ chính là nghiên cứu, NCS cũng tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo như trợ giảng, giảng dạy thực hành,… Qua các hoạt động này, nguồn lực cho đào tạo của Nhà trường được tăng cường cũng như củng cố sự gắn kết giữa NCS và đơn vị đào tạo.

Giảng viên Trường ĐHCN nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017

Mô hình mới trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam

Tại Trường ĐHCN, công bố quốc tế chiếm đa số trong tổng số công bố của nghiên cứu sinh. 100% NCS tốt nghiệp có bài báo quốc tế, trong đó 50% có bài trong tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.

Nhằm tăng cường yếu tố quốc tế, Trường ĐHCN có hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, trường đã mời các GS nước ngoài tham gia đồng hướng dẫn khoảng 20% NCS trong những năm vừa qua. Mối quan hệ hợp tác này là rất quan trọng về mặt chất lượng công bố, hỗ trợ NCS, cũng như sự giao lưu học thuật trong và ngoài nước.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo tiến sĩ với Đại học Công nghệ Sydney và Công ty cổ phần công nghệ FPT

Nhiều NCS có GS nước ngoài đồng hướng dẫn được tạo điều kiện đi thực tập nghiên cứu ở nước ngoài từ 2-6 tháng.

Trong năm 2017, Trường ĐHCN đã thiết lập được các hợp tác quan trọng với Đại học Công nghệ Sydney (Úc) và Công ty cổ phần công nghệ FPT trong đào tạo tiến sĩ thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông.

Theo đó, các NCS giỏi sẽ được chọn tham gia chương trình đào tạo liên kết này. NCS làm nghiên cứu toàn thời gian, được hỗ trợ học bổng hằng tháng lên tới 20 triệu đồng/tháng, được sang Úc học tập, nghiên cứu trong 1-1,5 năm và được xem xét cấp bằng tiến sĩ của Đại học Công nghệ Sydney.

Yêu cầu về công bố cũng sẽ cao hơn mặt bằng chung, trong đó đặc biệt là cần có bài báo tại các hội thảo quốc tế có uy tín (top conferences) và tạp chí khoa học uy tín. Đây là mô hình mới trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.

Thông báo tuyển sinh đào tạo tiến sĩ năm 2018 có tại đây: https://uet.vnu.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-dao-tao-tien-si-do%cc%a3t-1-nam-2018/

Lãnh đạo Trường ĐHCN chúc tết GS.VS Nguyễn Văn Hiệu

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất 2018, ngày 07/02/2018, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng nhà trường đã đến thăm và chúc Tết GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ. Cùng đi có PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng và đại diện lãnh đạo các phòng, khoa trong trường.

     Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Việt Hà đã gửi lời thăm hỏi và chúc tết sớm tới GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu –người đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp khoa học, giáo dục và sự ra đời, phát triển Trường ĐHCN.Nhân dịp này,Hiệu trưởng cũng thông tin tới Giáo sư về những kết quả, thành tựu công tác của Trường ĐHCN năm 2017.

Trong không khí ấm áp chân tình, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã bày tỏ niềm xúc động của mình trước sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường.Giáo sư chia sẽ về những tâm huyết và mong muốn thúc đẩy một số nhiệm vụ phát triển các định hướng mới của Nhà trường trong năm 2018. Mong rằng cán bộ, giảng viên của Nhà trường tiếp tục quyết tâm đổi mới, phấn đấu hết mình so sự nghiệp phát triển Trường ĐHCN.

     Một mùa xuân mới lại về, cùng giành những lời chúc tốt đẹp nhất cho mái trường Đại học Công nghệ thân yêu và thế hệ hôm nay sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên xứng đáng kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, thương hiệu của Nhà trường.

Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử truyền thông

       Chương trình nhằm đào tạo các cử nhân kỹ thuật ngành Công nghệ kĩ thuật Điện tử, Truyền thông (CNĐTTT) với nền tảng mạnh về các khoa học và công nghệ liên quan, có khả năng đóng góp cho xã hội bằng sự sáng tạo, kinh doanh và lãnh đạo.
Mục tiêu cụ thể
Phát triển kiến thức và kỹ năng cần có cho nghề nghiệp tương lai trong ngành CNĐTTT;
       Phát triển sự hiểu biết và khả năng áp dụng khoa học cơ bản, toán học, khoa học điện và tin học vào thực tiễn của ngành CNĐTTT;
       Cung cấp một môi trường giúp chuẩn bị cho sinh viên có nhiều định hướng nghề nghiệp khác nhau và có khả năng tự học suốt cuộc đời;
Làm cho sinh viên hiểu về các tương tác giữa ngành CNĐTTT với xã hội, kinh doanh, công nghệ, và môi trường;
Làm cho sinh viên nhận thức rõ về việc đóng góp cho sự phát triển quốc gia và kinh tế toàn cầu.
         Xem nội dung khung chương trình chi tiết tại 69.qd_CTĐT – ngành – CNKT – ĐT – VT – CLCTT23.